Trước đây để có vốn cho chồng mở xưởng gỗ, ngoài bán vàng cưới được hơn 200 triệu (mẹ em cho 4 cây vàng, nhà chồng cho 0,8 cây), em mượn chị gái 360 triệu đồng. Chồng em mượn gia đình anh 300 triệu làm vốn. Xưởng gỗ đứng tên chồng.
Em có 3 ý cần hỏi. Thứ nhất, sắp tới chồng thành lập công ty, em có nên đứng tên vào danh sách góp vốn không, hay để chồng đứng tên một mình. Vì em có công việc riêng, không quản lý và nắm bắt công việc của chồng nên nếu công ty phá sản thì quá thiệt thòi cho em.
Thứ hai, trước khi ly hôn, có cách nào lấy lại được tiền đã vay của chị gái em không, vì em không giữ tiền của anh ấy?
Thứ ba, nếu ly hôn, em có được chia tài sản là xưởng gỗ không? Làm thế nào để phòng trường hợp chồng bán được tài sản máy móc trong xưởng mà không chia cho em?
Em xin cảm ơn!
Độc giả Ngọc Hà
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này).
Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Với quy định nói trên thì xưởng gỗ (dù chỉ đứng tên chồng bạn) mà vợ chồng bạn đầu tư được xác định là tài sản chung vợ chồng. Số tiền nợ chị gái và gia đình chồng là khoản nợ chung (nghĩa vụ chung), hai vợ chồng cùng có nghĩa vụ trả nợ (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).
Tương tự, chồng bạn mở công ty thì tài sản trong công ty (tương ứng với phần vốn góp của chồng bạn) cũng là tài sản chung vợ chồng.
Về nguyên tắc, việc bạn đứng tên hay không đứng tên thành viên/cổ đông sáng lập thì cũng không làm thay đổi khối tài sản chung vợ chồng trong công ty. Tuy nhiên, việc bạn cùng đứng tên trong công ty có thể giúp bạn quản trị phần nào hoạt động của công ty.
Đối với khoản nợ chung, chúng tôi cho rằng vợ chồng bạn nên bàn bạc, thống nhất để trả hết số nợ đó hoặc ai chịu trách nhiệm trả nợ khoản nào, cho ai. Việc thỏa thuận này cần phải được thực hiện bằng văn bản và thông báo với bên cho vay để họ được biết.
Trường hợp ly hôn, nếu vợ chồng không tự thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung, nợ chung (nếu có) thì một trong hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Trường hợp một bên có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì bên còn lại có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tung Dân sự như: Kê biên tài sản đang tranh chấp; Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định...
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: https://vnexpress.net/co-nen-chung-von-mo-cong-ty-voi-chong-khi-ngap-nghe-ly-hon-4705566-p2.html