Tôi lái xe tải, làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Quá trình bốc hàng lên xe, tôi đậu xe chỗ đoạn đường dốc, dù đã cài phanh tay và chèn bánh, nhưng xe vẫn trôi dốc một đoạn đường và đâm vào góc tường nhà cạnh đó, làm nứt một mảng tường.
Đoạn đường là trong vườn nhà chủ, ngôi nhà là dạng nhà cấp 4 kiểu cũ. Tôi giữ nguyên hiện trường và có liên hệ bên bảo hiểm trách nhiệm dân sự của hãng bảo hiểm.
Sau đó có nhân viên bảo hiểm đến và lập biên bản hiện trường. Tuy nhiên hướng xử lý của bên bảo hiểm là tôi tự thỏa thuận bồi thường với chủ nhà và hoàn thành nghĩa vụ bồi thường, sau đó thì bảo hiểm mới tính toán để bồi thường cho tôi.
Chủ nhà đang làm khó tôi là đòi một số tiền lớn hơn thực tế thiệt hại nhiều, hoặc phải xây lại nhà. Tôi muốn bên bảo hiểm phải bảo vệ tôi và có trách nhiệm đồng hành cùng tôi trong vụ việc.
Vậy xin hỏi tôi phải làm thế nào để được hưởng quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp này? Gia chủ có được đòi hỏi bồi thường khi tôi chưa làm việc xong với bên bảo hiểm?
Xin được giải đáp và cảm ơn.
Độc giả Lâm Thao
Luật sư tư vấn:
Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Khoản 1 Điều 585 Bộ luật này quy định thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với trường hợp bạn nêu, nếu đã chèn bánh mà xe vẫn bị trôi thì chỉ có thể do vật chèn bánh quá nhỏ hoặc đoạn đường có độ dốc quá lớn, xe chở hàng quá nặng... dẫn đến vật chèn không tạo đủ lực ma sát để giữ xe đứng yên. Điều này cho thấy bạn là người có lỗi (dù vô ý) trong việc để tài sản của mình gây thiệt hại về tài sản cho người khác nên bạn có nghĩa vụ phải bồi thường.
Đối với chủ nhà, họ không có nghĩa vụ phải làm việc hay chờ đợi bên bảo hiểm giải quyết. Họ yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại ngay lập tức là có căn cứ và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 585 nêu trên.
Do vậy, bạn nên chủ động thương lượng, bồi thường khắc phục hậu quả. Trong trường hợp chưa thống nhất được tổng số tiền bồi thường thì bạn có thể bồi thường trước một phần thiệt hại để thể hiện thiện chí của bạn, giúp quá trình thương lượng tiếp theo có thể thuận lợi hơn.
Trường hợp chủ nhà đưa ra mức bồi thường quá cao thì bạn có quyền từ chối bồi thường. Vụ việc sẽ được chuyển đến tòa án giải quyết, nếu bên bị thiệt hại khởi kiện.
Về trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm, do chúng tôi không được tiếp cận hợp đồng bảo hiểm giữa bạn và công ty bán bảo hiểm nên chúng tôi không thể đánh giá phương án mà công ty bảo hiểm đưa ra là đúng hay sai. Bạn cần xem lại hợp đồng bảo hiểm về cách thức tiến hành bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra để ứng xử cho phù hợp.
Để được hưởng quyền của người mua bảo hiểm, bạn cần gửi văn bản yêu cầu bồi thường đến công ty bảo hiểm. Kèm theo văn bản này là các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bảo hiểm. Trường hợp bạn và công ty bảo hiểm không thống nhất được hướng giải quyết vụ việc thì bạn có thể khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội